Được xem như một trong những biểu tượng của thành phố Đà Lạt, trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt vươn cao thanh thoát, mang vẻ đẹp cổ kính…

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt – Trường Lycée Yersin

Khuông viên trường cao đẳng sư phạm Đà Lạt

Toàn cảnh khuôn viên trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

(Photo by Bill Robie 1968)

Trường Lycée Yersin được hình thành từ 2 trường: Petit Lycée (khánh thành năm 1927) và Grand Lycée (khởi công xây dựng năm 1929 và hoàn thành năm 1941). Ngày 28-6-1935, trường Grand Lycée mang tên Lycée Yersin. Về sau, trường đổi tên thành Trung tâm Giáo dục Hùng Vương, hiện nay là trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

Hiện nay, trường thuộc khu vực phường 9, thành phố Đà Lạt. Trước đây, khuôn viên đất dành cho trường có tổng diện tích 22,3ha, nằm cạnh bờ Hồ Xuân Hương. Toàn bộ khu vực chính gồm 8ha, nằm trên đỉnh đổi tương đối bằng phẳng. Sườn phía Tây và Tây Nam nghiêng về phía Hồ Xuân Hương. Sườn phía Nam có độ dốc tương đối cao, nhìn xuống thung lũng giáp Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt. Sườn phía Bắc khá bằng phẳng có một sân bóng đa dụng.

Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt – Khối lớp học “uốn mình” theo cung tròn

Công trình này do kiến trúc sư Moncet thiết kế, với việc vận dụng táo bạo về mặt kích thước của kết cấu, cũng như dùng gạch ép ốp tường và mái lợp ngói ardoise (thạch bản) xanh đen được vận chuyển từ Pháp sang. Đây là một ngôi trường có kiến trúc độc đáo hiếm thấy không chỉ ở nước ta. Được xây dựng vào những năm 30 của thế kỷ XX, ảnh hưởng bởi hình thức kiến trúc tân cổ điển. Bố cục mặt bằng chặt chẽ, tổ hợp kiểu hành lang bên. Tầng trệt để trống làm sân chơi trong nhà (préau) với những cột tròn, khẩu độ 8x8m. Tầng lầu gồm các lớp học, bên ngoài mỗi lớp đều có tủ âm tường là nơi để áo khoác, áo mưa của học sinh.

Nếu đứng trên quan điểm của các nhà kiến trúc theo chủ nghĩa công năng thì việc lựa chọn hình dạng mặt bằng của các lớp học trong công trình này (tường không xây theo đường thẳng mà bị ép uốn cong theo hình dáng tổng thể, nhằm đề cao hình tượng nghệ thuật của công trình) gần như dẫn đến kết quả “hình thức phi công năng”. Khối lớp học “uốn mình” theo một đường cung tròn mềm mại (vòng cung ngoài dài 90m, vòng cung trong dài 77m), ôm lấy khoảng sân khá rộng và một tháp chuông lợp ngói thạch bản vút lên cao 54m, như một dấu ấn mạnh mẽ hình cây bút vươn cao giữa rặng thông xanh, soi bóng xuống mặt Hồ Xuân Hương thơ mộng.

Tháp chuông như hình chiếc bút vươn cao giữa rặng thông xanh

Trên mặt đứng khối lớp học, cứ mỗi bước cột lại có hai vòm cung tròn xây bằng gạch đất nung với tỷ lệ hài hòa tạo nên vẻ đẹp thanh thoát cho khối nhà. Nét cách tân trong khối lớp học thể hiện ở phần mái dốc, bẻ góc ở phần đuôi mái, có hệ thống cửa sổ mái.

Cùng một trục với dãy lớp học chính, qua một dãy hành lang nối có mái che bằng bê tông lượn sóng và hai hàng cột tròn là khối hành chính. Đây là một tòa nhà hai tầng gồm ba phần mái nhà liên thông nhau theo hình chữ U. Công trình được thiết kế theo hình thức tân cổ điển Pháp. Mặt bằng hoàn toàn đối xứng, gồm 5 phần: phần giữa là một sảnh lớn, hai bên là hai buồng lớn và hai khối đầu hồi là các buồng nhỏ.

Song song với hai dãy hành chính là hai dãy nhà (mỗi dãy gồm một tòa nhà ba tầng, một tòa nhà hai tầng) có kết cấu và trang trí mặt đứng đơn giản hơn, vừa dùng làm phòng học, vừa dùng làm ký túc xá cho học sinh. Vuông góc với các dãy nhà trên là một tòa nhà có quy mô nhỏ hơn dùng làm hội trường, phòng thí nghiệm,… Lối đi giữa các khu được nối bằng những dãy hành lang có mái che bằng bê tông lượn sóng, góp phần tô điểm thêm cho nét duyên dáng của tổng thể.

Cửa sổ khung tròn vòm cao xuất hiện ở khắp nơi

Trong toàn bộ ngôi trường, đẹp nhất vẫn là dãy lớp học chính, với đường nét thanh nhã, rõ ràng, hài hòa với vật liệu xây dựng. Trường có tháp chuông, có mái dốc đứng, có vòm hành lang cong. Khối hành chính, khối lớp học và phòng thí nghiệm cũng kết thành một dạng kiến trúc Thụy Sỹ. Riêng dãy nhà nghỉ, nhà giặt, phòng hội trường,… lại được thiết kế theo dạng kiến trúc thông dụng của các trường học ở Pháp.

Nhìn chung, đây là công trình kiến trúc độc đáo mang đậm dấu ấn châu Âu, nhưng cũng đồng thời kết hợp được nhiều chi tiết kiến trúc bản địa để tạo thành một công trình kiến trúc hòa hợp giữa Đông và Tây. Được đánh giá là một kiến trúc theo phái hiện đại lúc bấy giờ, với công trình xây dựng trên vị trí tổng mặt bằng do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết lập, đây quả là một thành công của các tác giả khi gắn bó tổng thể công trình với điạ hình khu vực, xứng đáng được các nhà phê bình, các kiến trúc sư và các nhà nghiên cứu kiến trúc nổi tiếng trên thế giới trong Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận là một trong số 1.000 công trình kiến trúc tiêu biểu của thế giới trong thế kỷ XX.

cao dang su pham da lat 05

Trường được Hiệp hội Kiến trúc Quốc tế (UIA) công nhận 1 trong 1.000 công trình kiến trúc của thế giới trong thế kỷ XX

Ngày 28 – 12 – 2001, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt là Di tích Kiến trúc Quốc gia.

Nhiều danh nhân Việt Nam đã có thời gian học tập tại trường, điển hình như GS Trịnh Xuân Thuận – nhà vật lý thiên văn, hiện sống tại Mỹ.