Đà Lạt có loài hoa trắng thủy chung vẫn nở rộ khi tháng 12 về…
Cứ mỗi độ tháng 12 về, khi những cơn gió mang theo cái lạnh của mùa Noel về, Đà Lạt lại được khoát lên mình màu áo mới. Từ đường Trần Phú đến Quang Trung, Ban trắng dần nở rộ báo hiệu mùa lạnh đã về trên thành phố hoa Đà Lạt.
Ban trắng (còn có tên gọi móng bò sọc, danh pháp hai phần: Bauhinia variegata) là một loài thực vật có hoa trong họ Đậu (Fabaceae), có nguồn gốc ở miền đông nam châu Á, từ miền nam Trung Quốc kéo dài về phía tây tới Ấn Độ. Cây thân gỗ kích thước từ nhỏ đến trung bình, có thể cao tới 10-12 m, thuộc loại cây sớm rụng lá vào mùa khô. Lá của nó dài khoảng 10-20 cm và rộng bản, tròn và lưỡng thùy ở gốc và đỉnh phiến lá. Mặt trên không lông, mặt dưới có ít lông. Hoa của nó dễ thấy, có 5 cánh có màu từ tím, hồng nhạt đến trắng, đường kính 8–12 cm… Quả là loại quả đậu dài 15–30 cm, bên trong chứa vài hạt.
Loài hoa Ban trắng nở rộ trên phố hoa Đà Lạt
Ban trắng – một loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thủy, một loài hoa ở núi rừng Tây Bắc trắng muốt vào mùa xuân. Mà khi loài hoa này nở rộ nhắc ta nhớ về sự tích 1 loài hoa trắng tượng trưng cho sự thủy chung:
“Ngày xưa, vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban, xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho một chàng Khum, giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường – vừa gù vừa lười. Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu. Đúng lúc chàng Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng.
Mỗi loài hoa tình yêu đều bắt nguồn từ những câu chuyện tình yêu
Cuối cùng, kiệt sức, nàng gục xuống núi chết. Nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân mường liền gọi là hoa ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho hoa tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết…
“Nàng Ban” gắn liền với sự tích cây hoa ban từ lâu đã hóa thân vào cuộc sống văn hóa tinh thần và tâm linh của người dân tộc Thái. Người Thái quan niệm rằng, trai làng gái bản ở độ tuổi trăng tròn mà không thuộc câu tình ca:
Đôi ta yêu nhau không tính mùa Ban nở
Không thấy ngày Ban tàn
Mãi mãi như mùa Ban đầu, ta yêu nhau…
Hoa ban- vì thế đã trở thành niềm tự hào và biểu tượng tình yêu chung thủy sắt son.
Và những con đường Đà Lạt khoát lên màu áo trắng
Mỗi loài hoa tình yêu đều bắt nguồn từ những câu chuyện tình yêu. Yêu nhau nhưng không đến được với nhau, họ thà chết chứ không chịu khuất phục.
Và rồi ngày nay, Ban trắng lại tô điểm thêm cho thành phố hoa Đà Lạt cứ mỗi độ cuối Đông, khi mùa Noel về, những khúc hát vang lên trong giáo đường mừng ngày chúa giáng sinh, cũng là mùa Ban trắng khoát màu áo mới cho phố núi.
Lộc Tưởng (Tổng hợp)