Các danh thắng đạt kỉ lục Việt Nam tại Đà Lạt - Lâm Đồng

Những danh thắng bạn không nên bỏ lỡ khi đến Lâm Đồng – Đà Lạt


Tổ chức kỷ lục Việt Nam đã công bố danh mục các địa danh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt kỷ lục mới nhất của Việt Nam năm 2014. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có 19 địa danh được công nhận kỷ lục Việt Nam với 15 hạng mục khác nhau. Trong đó, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, Chợ Đà Lạt và Thung lũng Tình yêu đều sở hữu cùng lúc 02 kỷ lục. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch tỉnh Lâm Đồng trân trọng giới thiệu các địa danh trên địa bàn tỉnh được công nhận kỷ lục Việt Nam năm 2014:

Lễ hội mưa Đà Lạt - Photo: Bui Trong Duy

Đà Lạt – Điểm đến thu hút du khách – Photo: Bui Trong Duy – nguồn: Onlydalat.com

1. Thiền Viện Trúc Lâm (Tp. Đà Lạt): sở hữu 2 danh hiệu “Top 10 điểm du lịch tâm linh thu hút du khách nhất” và “Top 50 ngôi chùa nổi tiếng sở hữu kỷ lục Việt Nam” (kỷ lục Thiền viện lớn nhất Việt Nam).

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt

Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt với hoa viên tuyệt đẹp

Được xây dựng từ năm 1993, trên ngọn đồi Phụng Hoàng nhìn ra hướng hồ Tuyền Lâm thơ mộng, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt đã sớm trở thành điểm du lịch tâm linh thu hút du khách lớn nhất tại Đà Lạt. Đây là nơi tu học của các tu sĩ theo thiền phái Trúc Lâm Yên tử, một thiền phái Phật giáo nổi tiếng thế giới do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và Hòa thượng – Thiền sư Thích Thanh Từ khôi phục. Thiền viện nằm trong khuôn viên có diện tích rộng 24,5ha với sự tham gia thiết kế của kiến trúc sư nổi tiếng – Ngô Viết Thụ. Thiền viện chia làm 2 khu vực, nội viện và ngoại viện. Hiện nay, du khách đến chiêm bái sẽ được tham quan khu ngoại viện.

2.Chùa Linh Thắng (H. Di Linh): sở hữu danh hiệu “Top 50 ngôi chùa nổi tiếng sở hữu kỷ lục Việt Nam” (kỷ lục Bộ tượng Tây Phương Tam Thánh bằng gỗ dâu nguyên khối lớn nhất Việt Nam).

Bộ tượng Tây phương tam thánh

Ảnh bộ tượng Tây Phương tam thánh

Tọa lạc tại trung tâm thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, chùa Linh Thắng không những nổi tiếng với bộ Tây Phương Tam Thánh tạc bằng gỗ dâu nguyên khối đạt kỷ lục Việt Nam mà Đại đức Thích Thắng Phước trụ trì chùa còn nổi tiếng với danh hiệu “Người thổi hồn vào gỗ” với hàng trăm bức tượng lớn nhỏ được đại đức tạc bằng gỗ quý trên 500 tuổi. Ngoài tượng Phật, Bồ tát, chùa còn chế tác và trưng bày các tác phẩm điêu khắc gỗ với các chủ đề khác như Phúc Lộc thọ, tứ linh v.v… Phật tử và khách hành hương đến chùa, sau khi chiêm bái, lễ Phật còn được thưởng thức những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ thật sinh động, độc đáo.

3. Dãy núi Lang Biang (H. Lạc Dương): sở hữu danh hiệu “Top 5 ngọn núi cao hấp dẫn du khách khám phá”

Khu du lịch Langbiang Đà lạt

Hình ảnh đỉnh Langbiang gắn liền với truyền thuyết của người K’ho

Cảnh đẹp nhìn từ Langbiang Đà Lạt

Phong cảnh tuyệt đẹp nhìn từ đỉnh Langbiang

Núi Lang Biang hay còn gọi là núi Bà với chiều cao 2.189m thuộc dãy Bidoup huyền thoại từ lâu đã trở thành điểm đến thường xuyên của du khách. Núi Langbiang còn nổi tiếng nhờ truyền thuyết gắn liền với lịch sử của người Cơ Ho bản địa về thiên tình sử nổi tiếng của chàng Lang và nàng Biang. Từ năm 2004, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận Lang Biang là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

4. Chợ Đà Lạt (Tp. Đà Lạt): sở hữu danh hiệu “Top 5 chợ đặc trưng ba miền nhiều người biết đến nhất” và Chợ Âm Phủ Đà Lạt thuộc một phần của Chợ Đà Lạt được công nhận danh hiệu “Top 5 chợ đêm thu hút du khách ở Việt Nam”.

Chợ đêm Đà Lạt

Chợ đêm Đà Lạt luôn luôn hút du khách ghé thăm – Photo: Quang Tran

Chợ Đà Lạt là một trong những ngôi chợ lầu đầu tiên ở Việt Nam, được khởi công xây dựng vào năm 1958 và hoàn thành năm 1960, là công trình của 02 kiến trúc sư nổi tiếng Ngô Viết Thụ và Nguyễn Duy Đức thiết kế. Qua nhiều lần xây dựng, nâng cấp, Chợ Đà Lạt được xây dựng thêm khu B và khu C. Ngày nay khu C chợ Đà Lạt được đầu tư thành Chợ mới Dalat Center với kiến trúc, công năng hiện đại.

Chợ Âm phủ Đà Lạt hay còn gọi là Chợ đêm Đà Lạt được họp chợ hàng đêm ven 2 bên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai vào chợ Đà Lạt, chợ phục vụ ăn uống và mua sắm quà lưu niệm cho du khách. Chợ Đà Lạt từ lâu đã trở thành địa điểm không thể bỏ qua của du khách khi đến Đà Lạt.

5. Hồ Tuyền Lâm (Tp. Đà Lạt): được công nhận danh hiệu “Top 5 hồ tự nhiên Việt Nam đẹp và thơ mộng”.

Cảnh đẹp tại hồ Tuyền Lâm Đà Lạt

Cảnh đẹp nhìn từ các khu resort cao cấp

Cảnh đẹp nhìn từ khu resort cap cấp của hồ Tuyền Lâm

Được xây dựng từ năm 1988, với diện tích khoảng 350ha, hồ Tuyền Lâm được tạo thành bởi dòng suối Tía, thượng nguồn sông Đạ Tam. Hiện tại, hồ Tuyền Lâm đang được quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng để trở thành khu du lịch chuyên đề lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng. Hồ Tuyền Lâm được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 1998. Khu du lịch hồ Tuyền Lâm cũng được Thủ tướng Chính phủ xác định là khu du lịch chuyên đề cấp quốc gia trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam.

6. Thác Cam Ly, Thác Prenn (Tp. Đà Lạt): sở hữu danh hiệu “Top 5 thác nước đẹp, hùng vĩ với nhiều huyền thoại thú vị của Việt Nam”.

Thác Camly Đà Lạt

Ngọn thác Camly gắn liền với tên tuổi thành phố hoa Đà Lạt từ thuở sơ khai

Cam Ly là tên của một con thác nhỏ thuộc suối Cam Ly cách trung tâm thành phố Đà Lạt chừng 3km về phía Tây. Suối Cam Ly bắt nguồn từ khu vực rừng Đarahoa (Lạc Dương) và nhận nước từ các núi LápBê nam, LápBê bắc. Sau khi ra khỏi địa phận thành phố Đà Lạt, suối Cam Ly tiếp tục chảy qua xã Mê Linh, thị trấn Nam Ban, thị trấn Đinh Văn để rồi nhập vào sông Đạ Đờn (Đạ Dâng) thượng nguồn sông Đồng Nai, tại xã Tân Văn, huyện Lâm Hà. Thác Cam Ly còn nổi tiếng là ngọn thác duy nhất nằm trong lòng thành phố Đà Lạt. Bên cạnh, giá trị danh thắng, thác Cam Ly còn mang trong mình một truyền thuyết hấp dẫn, gắn liền với lịch sử hình thành thành phố Đà Lạt. Từ năm 1998, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận thác Cam Ly là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

Thác Prenn

Thác Prenn đi vào huyền thoại gắn với tên tuổi của Đà Lạt

Thác Prenn bắt nguồn từ suối Prenn, khởi nguồn từ khu vực hố Tôm, suối Bảo Đại (Thung lũng sau Dinh 1 – Đà Lạt). Suối Prenn còn được gọi là Đạ Prền và Thác Prenn còn có tên cổ là Liang Tarding. Đến thác Prenn, du khách có thể tham quan, vui chơi giải trí và lên thăm đền thờ Âu Lạc, đền thờ vua Hùng tại tỉnh Lâm Đồng. Truyền thuyết thác Prenn còn gắn liền với lịch sử phát triển của Vương triều Chăm ở thế kỷ XVII thuộc triều đại Pôrômê (1625 – 1651). Từ năm 1998, thác Prenn được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

7. Thung lũng Tình yêu (Tp. Đà Lạt): sở hữu cùng lúc 02 kỷ lục “Top 5 thung lũng rộng lớn nhất Việt Nam có cảnh sắc đẹp” và “Top 20 điểm đến được du khách yêu thích nhất khi đến Việt Nam”.

Thung lũng Tình Yêu Đà Lạt

Từ những thập niên 30 của thế kỷ trước, người Pháp khi ở Đà Lạt thường chọn nơi đây để ngắm cảnh, tâm tình hoặc tổ chức dã ngoại. Từ đó, người Pháp đã đặt cho thắng cảnh này một cái tên khá lãng mạn: “Vallée D’amour” (Thung lũng Tình yêu). Năm 1953, ông Nguyễn Vỹ – Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ đã đề nghị đổi tên các hồ nước và con đường từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, và tên “Thung lũng Tình yêu” chính thức có từ đó. Năm 1998, Bộ Văn hóa Thông tin đã công nhận hồ Đa Thiện – Thung lũng Tình yêu là di tích thắng cảnh cấp quốc gia.

8. Thành phố Đà Lạt: sở hữu kỷ lục “Top 5 điểm lạnh tự nhiên thu hút khách tham quan ở Việt Nam”.

Được đánh giá là thiên dường du lịch nghỉ dưỡng miền núi của Việt Nam, với khí hậu lý tưởng, nhiệt độ trung bình khoảng 18 độ C, hàng năm Đà Lạt thu hút trên 3 triệu lượt du khách đến tham quan nghỉ dưỡng, xứng đáng với danh hiệu kỷ lục được phong tặng.

Thành phố hoa Đà Lạt trong mùa Festival

Đà Lạt vào mùa Festival hoa

Mùa may Đà Lạt

Mùa Mây Đà Lạt

9. Đèo Ngoạn mục (kết nối Ninh Thuận với Lâm Đồng): sở hữu kỷ lục “Top 5 ngọn đèo nổi tiếng”

Đèo Ngoạn Mục nổi tiếng với các khúc cua “cùi chỏ”

Đèo Ngoạn Mục nối Đà Lạt và Phan Rang

Và thắng cảnh tuyệt đẹp

Đèo Ngoạn Mục thuộc quốc lộ 27, nối 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Được đánh giá là một trong những tuyến giao thông có cảnh quan thiên nhiên đẹp nhất Việt Nam, đèo Ngoạn Mục có độ cao 1598 mét so với mặt biển. Khu vực đèo còn có hệ sinh thái đặc sắc với hơn 2000ha rừng quanh năm mây phủ còn lưu giữ nhiều loài thực vật quý hiếm như hương, gõ, lai, pơ mu, thông lá dẹp. Về động vật có gấu, rùa vàng, khỉ, công, trỉ … Đây là khu rừng hiếm trong vùng cực Nam-Trung bộ có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học. Đứng ở đỉnh đèo du khách có thể ngắm toàn cảnh núi non trùng điệp xanh biêng biếc với con đường đèo dài 19 Km quanh co, khúc khuỷu. Đèo Ngoạn Mục còn có tên là đèo Sông Pha (Krông Pha). Trước đây, khi đi săn bắn tại khu vực này, quá ấn tượng với cảnh quan ngoạn mục của tuyến đường, vua Bảo Đại đã đặt tên cho đèo là Ngoạn Mục và địa danh này gắn liền với tên gọi đó cho đến ngày nay.

10. Nhà thờ Domaine de Marie (Tp. Đà Lạt): Sở hữu kỷ lục “Top 10 nhà thờ du khách hay tìm đến tham quan”

Nhà thờ Domain De Maria Đà Lạt

Nhà thờ Domain nổi tiếng với lối kiến trúc đặc trưng của Pháp

Nhà thờ Domaine de Marie tọa lạc trên quả đồi lộng gió có cùng tên gọi ở phía Tây thành phố Đà Lạt (còn gọi là đồi Mai Anh) thuộc giáo xứ Mai Anh, được khởi công xây dựng từ năm 1938 nằm trong quần thể kiến trúc của tu viện dòng nữ tu Bác Ái. Kiến trúc độc đáo mang phong cách Châu Âu thế kỷ thứ XVII nhưng được thực hiện bằng vật liệu hoàn toàn Việt Nam: vôi, mật mía và một số phụ gia khác. Tuy nhà thờ không có tháp chuông trên đỉnh nhưng tiền đình được thiết kế là một tam giác cân, phía trước được trang điểm các cửa vòm nhỏ. Trong nhà thờ, đặc biệt có bức tượng Đức Mẹ đứng trên quả địa cầu được tạo theo hình mẫu người phụ nữ Việt Nam cao 3m, nặng 1 tấn do phu nhân toàn quyền Decoux là bà Suzanne Humbert tặng. Phía sau nhà thờ là ba dãy nhà 3 tầng của dòng nữ tu Bác Ái được thiết kế theo mẫu mới. Năm 1944, trên đường đến Đà Lạt để hòa giải mâu thuẫn giữa Nam Phương Hoàng hậu và Thứ phi Mộng Điệp, bà Suzanne Humbert bị tai nạn giao thông ở đèo Prenn và được an táng ở hành lang phía sau nhà thờ theo tâm nguyện từ trước. Đến thăm nhà thờ, du khách còn được thỏa thích mua sắm hàng lưu niệm Đà Lạt do chính tay các nữ tu và học sinh trong nhà dòng sản xuất.

11. Làng hoa Thái phiên, làng hoa Hà Đông, làng hoa Vạn Thành (Tp. Đà Lạt): được công nhận danh hiệu “Top 10 làng hoa, vườn hoa được yêu thích nhất”.

Làng hoa Thái Phiên Đà Lạt

Các làng hoa Đà Lạt nổi tiếng với sự đa dạng các chủng loài hoa

Khung cảnh tuyệt đẹp về đêm của các làng hoa Đà Lạt

Đây là 3 làng hoa nổi tiếng nhất Đà Lạt và cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng chính thức công nhận là làng nghề truyền thống về trồng hoa của địa phương. Đến với 3 làng hoa Thái phiên, Hà Đông, Vạn Thành du khách sẽ được tham quan các nhà vườn, tham gia các hoạt động du lịch canh nông, mua sắm rau, hoa ngay tại vườn và tham quan nhiều công trình kiến trúc đặc sắc đã được công nhận di tích cấp tỉnh như Đình Thái Phiên, Đình Nghệ Tĩnh…

12. Sân golf Dalat Palace (Tp. Đà Lạt): sở hữu kỷ lục “Top 10 sân golf được nhiều du khách yêu thích”.

Còn gọi là sân golf Đồi Cù – từ hồ Xuân Hương bạn có thể ngắm 1 mảng xanh mướt

Nổi tiếng ở Đà Lạt từ thập niên 40 của thế kỷ trước với địa danh Đồi Cù, là nơi chơi đánh Cù của người Pháp. Về sau, một kiến trúc sư người Scotland đã thiết kế-biến địa danh này thành một Sân Cù 9 lỗ có một Câu lạc bộ đầy đủ tiện nghi nổi tiếng vùng Đông Nam Á. Khi còn đương vị, cựu hoàng Bảo Đại thường xuyên ra đây chơi golf cùng các quan chức Pháp. Hiện nay Đồi Cù đã được nâng cấp thành sân golf 18 lỗ và nhiều lần được các tạp chí du lịch công nhận là sân golf có cảnh quan đẹp nhất Việt Nam.

13. Khách sạn Dalat Palace (Tp. Đà Lạt): sở hữu kỷ lục “Top 5 khách sạn lâu đời hiện đại được du khách biết đến nhiều nhất”

Khách sạn Đà Lạt Palace

Cảnh quan cổ kính – trang trọng tuyệt đẹp của Đà Lạt Palace

Khách sạn Dalat Palace tiền thân là khách sạn Langbian Palace, được khởi công xây dựng vào năm 1914 đến năm 1922 thì hoàn thành và chính thức đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của người Pháp tại Đông Dương. Đây là khách sạn thứ 2 kể từ khi đô thị Đà Lạt được hình thành sau hành trình khám phá miền đất nghỉ dưỡng của bác sĩ Alexandre Yersin và là khách sạn cổ nhất Đà Lạt tính đến nay với gần 100 năm tuổi. Đến nay, tuy đã có tuổi đời lâu năm nhưng Dalat Palace vẫn được xem là một trong những tòa dinh thự hoành tráng và đẹp nhất Đà Lạt nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Nét đẹp của Dalat Palace là sự phối hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc Victoria huy hoàng tráng lệ và cảnh quan có một không hai tại thành phố Đà Lạt. Khách sạn tọa lạc trên một ngọn đồi cao. Tại tiền sảnh của khách sạn du khách có thể phóng thẳng tầm mắt nhìn xuống danh thắng hồ Xuân Hương thơ mộng, thưởng ngoạn cảnh quan điệp trùng của đồi Cù Đà Lạt và nhìn thẳng về đỉnh núi Lang Biang hùng vĩ quanh năm mây mù che phủ.

Khách sạn Da Lat Palace

Đúng như tên gọi của mình, khách sạn mang dáng dấp của một cung điện nguy nga, một tòa lâu đài tráng lệ nổi bật giữa thảm cỏ xanh mượt mà. Khách sạn nổi bật với hơn 2000 chi tiết, nét chạm trổ tô điểm cho các phòng và toàn bộ kiến trúc khách sạn. Khách sạn còn là một không gian nghệ thuật hoàn hảo với trên 400 bức tranh, tượng mang phong cách ấn tượng châu âu góp phần làm tăng dáng vẻ sang trọng của khách sạn.

Dalat Palace còn nổi tiếng là khách sạn 5 sao có số phòng ít nhất tại Việt Nam. Khách sạn chỉ với 43 phòng nhưng được trang bị đầy đủ trang thiết bị tiện nghi hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một khách sạn 5 sao. Khách sạn còn sở hữu 01 sân golf 18 lỗ cũng mang tên Dalat Palace được xây dựng tại danh thắng Đồi Cù của thành phố Đà Lạt, đối diện với khách sạn qua không giang lãng đãng, thơ mộng của hồ Xuân Hương.

Khách sạn đã từng ghi dấu nhiều sự kiện trọng đại của lịch sử đất nước. Năm 1946, khách sạn được chọn làm nơi tổ chức hội nghị trù bị cho hội nghị Fontainebleau giữa chính phủ Việt Nam và chính phủ Pháp và cũng chính là nơi Bộ Chính trị tổ chức hội nghị tổng kết chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

14. Chùa Linh Phước (chùa Ve chai): Một trong những ngôi chùa nhiều kỷ lục vào hàng top của Việt Nam

Chùa Linh Phước Đà Lạt

Ngôi chùa với nét kiến trúc đẹp và lạ

Chùa Linh Phước Đà Lạt tọa lạc tại số 120 Tự Phước, thuộc Trại Mát, cách trung tâm thành phố 8km. là ngôi chùa cổ ở Đà Lạt, cũng là ngôi chùa độc đáo và đẹp nhất Đà Lạt với nhiều hạng mục kiến trúc quy mô và độc đáo nên Chùa đã nhiều lần được tổ chức Asia Book of Records trao tặng bằng kỷ lục Việt Nam.

Tượng Bồ Đề Đat Ma bằng gỗ sao

Bức tượng Bồ Đề Đat Ma sư tổ bằng gỗ sao

Bức tượng Quan Âm bằng hoa bất tử

Bức tượng phật Quan Âm bằng hoa bất tử

Hiện đã có đến 11 kỷ lục Việt Nam được xác lập, đó là: ngôi Chùa có tượng Bồ Đề Đạt Ma bằng gỗ sao lớn nhất, Chùa được tạo tác bằng nhiều mảnh sứ nhất; Chùa có con chim công bằng gỗ sao lớn nhất; Chùa có tháp chuông cao nhất và chùa có tượng Quan Thế Âm bằng hoa lớn nhất (kỷ lục này còn được xác nhận là kỷ lục châu Á), rồi chùa có nhiều tượng Quan Thế Âm (324 pho) và tượng Quan thế âm cao nhất (17m) được đặt trên tầng 3 của nhà tổ.

Chùa có cung điện trang trí nhiều rồng nhất hơn 1.000. Hướng tới kỷ niệm 120 năm ngày thành lập thành phố Đà Lạt, nhà Chùa đang hoàn thiện phù điêu trên hai gốc Tùng lớn có 120 con hạc xum vầy biểu thị cho hạnh phúc nơi đất lành. Chưa hết Hòa Thượng Thích Tâm Vị còn đưa chúng tôi đến tham quan một gốc cây cổ thụ dẽ đến hàng ngàn năm tuổi bới đường kính rộng tới 7 m và một phiến gỗ dài rộng nếu làm bàn ăn thì đủ trăm người cùng ăn một lúc.

15. Đường hầm Đất Sét – khu du lịch Dalat Star:

Nằm giữa rừng thông xanh mát của hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt, công trình điêu khắc đất sét là điểm đến lý thú của nhiều du khách thời gian gần đây. Chủ nhân của công trình đã dồn toàn bộ tâm huyết để tạo nên tác phẩm sáng tạo này. Bước chân đến đây, ấn tượng đầu tiên phải kể đến là con đường hầm lộ thiên với nhiều tác phẩm điêu khắc chạy dọc hai bên vách. Công trình này được tạo nên dựa vào hai ý tưởng là tái hiện Đà Lạt từ thuở sơ khai tới khi phát triển thành một vùng đất hiện đại và những công trình kiến trúc, văn hóa độc đáo.

Đường hầm kiến trúc Đà Lạt

Ngồi nhà đất sét với bản đồ Hoàng Sa – Trường Sa

Kiến trúc độc đáo của đường hầm đất sét

Kiến trúc độc đáo và đầy sáng tạo

Trong ngôi làng, nổi bật nhất chính là ngôi nhà đã được Trung tâm sách kỷ lục VN xác nhận 2 kỷ lục: ngôi nhà bằng đất đỏ bazan không nung có mái đắp nổi hình bản đồ Việt Nam đầu tiên và có diện tích lớn nhất; ngôi nhà đất đỏ bazan không nung đầu tiên và có phong cách độc đáo nhất.

Đinh Thành (Nguồn: http://svhttdl.lamdong.gov.vn/)